Xuống hạng là cái giá Leicester phải trả cho quá nhiều vấn đề mà họ không thể giải quyết, dù từng được cựu HLV Brendan Rodgers cảnh báo trước thềm Ngoại hạng Anh mùa này.
Vì sao một cựu vương Ngoại hạng Anh lại phải xuống hạng nhanh đến vậy, chỉ bảy năm sau khi vô địch? Mới 12 tháng trước, Leicester cũng vào tới bán kết Cup châu Âu, nhưng sẽ phải chơi ở hạng nhất Anh mùa tới.
Chiến thắng 2-1 trước West Ham trên sân King Power hôm 28/5 là không đủ để giúp Leicester cải thiện tình thế. Cùng thời điểm trên sân Goodison Park, Everton hoàn thành mục tiêu trụ hạng sau trận thắng Bournemouth 1-0. “Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ thắng trận”, tài khoản Twitter của Leicester đăng bài. “Nhưng trang sử gần nhất của đội ở Ngoại hạng Anh đã khép lại”.
Trong lịch sử 31 năm của Ngoại hạng Anh, Leicester là một trong bảy nhà vô địch. Nhưng họ là đội thứ hai trong đó phải xuống hạng, sau Blackburn Rovers. Blackburn trở lại Ngoại hạng Anh sau hai mùa chơi ở hạng dưới, cho đến năm 2012 họ lại xuống hạng lần nữa và chưa hẹn ngày trở lại.
Với các đội xuống hạng, nhiều người sẽ thường trách giới chủ thiếu quan tâm đến đội bóng. Nhưng trường hợp của Leicester lại khác.
Leicester luôn thể hiện là đội bóng đầy tham vọng dưới quyền sở hữu của gia đình Srivaddhanaprabha. Họ đã đầu tư nhiều vào đội bóng, dốc thêm hầu bao kể từ sau chức vô địch Ngoại hạng Anh năm 2016. Trung bình mỗi mùa giải họ chi 87 triệu USD để mua cầu thủ. Giới chủ Thái Lan cũng đãi ngộ cầu thủ ở mức cao hơn, khiến quỹ lương của đội phình to đến mức cao thứ bảy ở Ngoại hạng Anh.
Leicester cũng chi hàng trăm triệu USD để xây sân tập mới tại Seagrave, thuộc quận Charnwood, với ngân sách từ các khoản vay đảm bảo bằng tiền bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh trong tương lai. Khoản thu đó sẽ giảm đáng kể với họ trong thời gian tới do phải chơi ở hạng Nhất, nhưng đội vẫn sẽ phải thanh toán tiền lãi và gốc không đổi.
Leicester từng tuyên bố mục tiêu dự cup châu Âu là kế hoạch hàng năm của họ, nên giới chủ muốn tạo ra một cơ sở vật chất tốt nhất. Kể từ khi vô địch năm 2016, họ còn hai lần đứng trong top 5 và được dự Europa League dưới trướng HLV Rodgers. Mùa trước, họ cũng chỉ cách suất dự cup châu Âu một bậc.
Để đáp ứng chi tiêu của giới chủ, Leicester phải thể hiện được thành tích trên sân. Việc không được dự cup châu Âu khiến tình hình tài chính của đội căng thẳng. Họ phải cắt giảm chi tiêu trước sức ép từ UEFA, bởi quy định mới không cho phép đội chi đến 85% doanh thu như Leicester. UEFA đã đặt Leicester vào diện theo dõi, khiến họ không còn dám vung tiền mua sắm trong hè 2022.
Suốt gần ba tháng chuyển nhượng hè, HLV Rodgers không được bổ sung cầu thủ nào đủ sức cạnh tranh vị trí chính trong đội. Leicester chỉ mua trung vệ Wout Faes vào ngày cuối chuyển nhượng với giá 18 triệu USD, sau khi bán Wesley Fofana cho Chelsea với phí 86 triệu USD.
Sau kỳ chuyển nhượng ảm đạm, HLV Rodgers nói rằng mục tiêu của Leicester mùa 2022-2023 là giành 40 điểm – số điểm đảm bảo giúp họ trụ hạng. Khi đó, nhiều người cho rằng ông quá bi quan. Nhưng màn thể hiện của Leicester dần cho thấy HLV người Bắc Ireland đã đúng.