World Cup nâng tầm Qatar
Thành công của World Cup giúp Qatar được biết đến nhiều hơn, mở rộng cánh cửa để quốc gia Vùng Vịnh này tăng ảnh hưởng trên vũ đài thế giới.
Từ việc Morocco trở thành đội tuyển đến từ châu Phi đầu tiên lọt vào tới bán kết đến việc Đức bị loại ở vòng bảng, World Cup 2022 đã mang đến nhiều điều bất ngờ. Tuy nhiên, với không ít người, bất ngờ lớn nhất đã xảy ra từ 12 năm trước khi giải đấu khởi tranh.
Vào năm 2010, quyết định của FIFA trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar dường như là lựa chọn không tưởng. Qatar không có bề dày thành tích bóng đá, quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé này còn thiếu sân vận động, khách sạn hay những công trình giao thông cần thiết khác phục vụ giải đấu.
Với dân số dưới ba triệu người, 90% trong đó là lao động nhập cư, câu hỏi được đặt ra khi đó là làm thế nào Doha có thể đáp ứng các yêu cầu đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.
Qatar đã đáp lại những lo ngại đó bằng một loạt dự án thần tốc với kinh phí rất lớn, dù gây nhiều tranh cãi trên truyền thông phương Tây. Trong thập kỷ qua, các nhà quan sát nhân quyền đã chỉ trích chính phủ Qatar về nhiều vấn đề, từ cách đối xử với lao động nhập cư đến các cáo buộc hối lộ và tham nhũng hay chính sách đối với cộng đồng LGBTQ.
Bất chấp nhiều lời kêu gọi thay đổi địa điểm tổ chức World Cup và những lời đe dọa tẩy chay, Qatar vẫn cam kết sẽ đăng cai giải đấu thành công và quyết tâm biến lời hứa đó thành hiện thực.
Dù có diện tích rất nhỏ, Qatar đã trải qua quá trình biến đổi mạnh mẽ từ những năm 1970, với động lực chính là nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ. Qatar hiện nằm trong top 10 quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới tính theo Sức mua Tương đương (PPP). Trên con đường bước lên sân khấu toàn cầu, ngoài bằng chuyến tàu tốc hành kinh tế, Qatar cũng đã mạo hiểm tham gia vào các lĩnh vực khác để xây dựng hình ảnh.
Giống như các quốc gia vùng Vịnh khác, Qatar cũng xác định đầu tư vào thể thao là chất xúc tác hấp dẫn cho hoạt động ngoại giao và xây dựng danh tiếng. Đỉnh cao của chiến lược đó là World Cup và Qatar đã tận dụng triệt để cơ hội của mình.
Quốc gia Vùng Vịnh đã chi tới 220 tỷ USD cho công tác chuẩn bị, trong đó chưa đầy 10 tỷ USD dành cho xây dựng sân vận động, số còn lại được phân bổ để cải thiện hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn và an ninh.
Ngoài những nâng cấp về cơ sở hạ tầng, Qatar cũng đã đầu tư rất mạnh tay vào nỗ lực truyền thông cũng như vận động ủng hộ của hàng loạt gương mặt lớn trong giới bóng đá như David Beckham hay Gary Neville.
Qatar còn mạnh tay đầu tư vào lĩnh vực bóng đá và những môn thể thao khác. Một tuần sau khi được chọn đăng cai World Cup, Quỹ Qatar, một tổ chức phát triển phi lợi nhuận của Doha, đã ký thỏa thuận trị giá 220 triệu USD tài trợ áo đấu cho câu lạc bộ Barcelona, Tây Ban Nha. Vài tháng sau, Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar đã mua lại câu lạc bộ Pháp Paris Saint Germain và ngay sau đó, tập đoàn truyền thông nhà nước Al Jazeera chi 130 triệu USD mua quyền phát sóng các giải bóng đá của Pháp.
Chỉ riêng từ năm 2004 đến 2022, Qatar đã tổ chức 24 giải đấu thể thao hạng nhất và hạng hai, trong đó có Đại hội Thể thao châu Á và giải Vô địch Điền kinh Thế giới.
“Tôi nghĩ Qatar không muốn chỉ trở thành một cường quốc liên quan đến năng lượng… Họ đang cố gắng làm nổi bật vai trò của mình với tư cách một quốc gia có thể góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế”, Anna Jacobs, nhà phân tích cấp cao về Vùng Vịnh tại Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nhận định.
Đăng cai World Cup đóng một phần quan trọng với mục tiêu này, bà nói thêm.
“Thể thao có vai trò chính trị quan trọng với Qatar cũng như các mối quan hệ đối ngoại của nước này hơn bất kỳ quốc gia nào khác”, Danyel Reiche, phó giáo sư tại Đại học Georgetown ở Qatar, nói.
Theo Nick Miller, bình luận viên cấp cao từ trang tin thể thao Athletic, việc giành quyền đăng cai World Cup là một thành công đáng kể đối với Qatar. Ông đánh giá Qatar đã “sử dụng ảnh hưởng mà bóng đá có ở châu Âu để biến Doha trở thành một điểm đến đáng mơ ước”.
Điều này cũng phù hợp với các mục tiêu mà chính phủ Qatar đã nêu trong báo cáo Chiến lược Phát triển Quốc gia 2011-2016, trong đó ưu tiên cải thiện hình ảnh và mối quan hệ giữa Qatar với các đối tác quốc tế thông qua thể thao.
Nhờ World Cup, cả thế giới đều hướng về Qatar, Haya Al Thani, 32 tuổi, chuyên viên tại tổ chức giáo dục Teach for Qatar, cho hay. “Trước đây, khi tôi đi du lịch, mọi người thường hỏi tôi đến từ đâu. Khi tôi nói mình là người Qatar, họ thường hỏi lại ‘đó là nơi nào?'”, anh nói. “Bây giờ, điều này đã trở nên dễ dàng hơn”.
IPA Qatar, cơ quan xúc tiến đầu tư của vương quốc, cho hay các cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng lên đáng kể từ khi quyết định trao quyền đăng cai World Cup cho Qatar được công bố. GDP của Qatar tăng trưởng ổn định 4,5% kể từ năm 2010 và Bộ Thương mại đã công bố 83 cơ hội thương mại và đầu tư cho khu vực tư nhân tới năm 2023, liên quan đến công tác chuẩn bị và điều hành giải đấu.
Tuy nhiên, triển vọng tài chính dài hạn của chiến lược này hiện vẫn gây nghi ngờ. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng nền kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng 3,4% vào năm 2022 và 2023 nhờ World Cup, nhưng sau đó sẽ giảm xuống còn 1,4% vào năm 2024.
Trước những tiếng nói chỉ trích về cách đối xử với lao động nhập cư, chính phủ Qatar đã nỗ lực cải cách, loại bỏ hệ thống giám sát “kafala”, đồng thời nới lỏng một số điều kiện phụ thuộc của người làm thuê đối với chủ sử dụng lao động.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ca ngợi những thay đổi này, gọi đây là “cột mốc quan trọng trong chương trình cải cách lao động đầy tham vọng của Qatar”. Đầu năm ngoái, ILO cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.000 người lao động có mức lương thấp ở Qatar với 86% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy cải cách lao động đã tác động tích cực đến cuộc sống của họ.
Theo tạp chí Variety, FIFA và Qatar “đã thắng trong canh bạc của mình”, phá bỏ khuôn mẫu và tổ chức giải đấu vào mùa đông thay vì các tháng giữa năm, xóa bỏ hoài nghi rằng thay đổi lịch thi đấu vốn có như ở châu Âu sẽ là một thảm họa.
“Từ góc độ cảm hứng dân tộc, hàng triệu người hâm mộ Arab đã không khỏi mừng rỡ trước sự thật rằng giải vô địch bóng đá thế giới cuối cùng cũng diễn ra trên mảnh đất của họ. Từ góc độ hậu cần, tổ chức và vận hành, Qatar đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo World Cup diễn ra thành công”, Mazen Hayek, chuyên gia tư vấn truyền thông ở Dubai, bình luận.
Con đường Qatar đưa World Cup về với đất nước của mình rõ ràng là một hành trình gian nan. Nhưng xuyên suốt giải đấu, khi tất cả những mục tiêu và lời hứa quan trọng đều được thực hiện, Qatar “đã hoàn toàn thành công”, Claire Enders, người sáng lập Enders Analysis, công ty tư vấn truyền thông hàng đầu có trụ sở tại London, nhận xét.
“Họ đã đưa Qatar lên bản đồ thế giới, giúp hàng tỷ người biết họ đang ở đâu và chắc chắn có cái nhìn tích cực hơn về quốc gia này so với trước đây”, bà nhấn mạnh.