Trận bóng hay bậc nhất lịch sử
Một màn ảo thuật đỉnh cao thường gồm ba phần, và trận chung kết World Cup 2022 vừa qua có những nét tương đồng với những diễn biến không thể lường trước.
“Mọi trò ảo thuật tuyệt đỉnh đều gồm ba phần, hoặc ba chương hồi. Phần đầu tiên được gọi là ‘bảo chứng’. Ảo thuật gia cho bạn xem một thứ gì đó hết sức bình thường, chẳng hạn: một bộ bài, một con chim hoặc một người đàn ông. Nhà ảo thuật ấy cho bạn xem đồ vật đó. Có thể anh ta còn yêu cầu bạn kiểm tra nó để chắc chắn rằng món đồ ấy là thật, còn nguyên, bình thường. Nhưng tất nhiên… nó không hẳn là vậy. Phần thứ hai được gọi là ‘bước ngoặt’. Nhà ảo thuật lấy đồ vật bình thường kia và biến nó trở nên phi thường. Bấy giờ, bạn sẽ tìm kiếm bí mật… nhưng bạn sẽ chẳng thể tìm thấy, vì thực ra bạn có đang tìm kiếm đâu. Bạn đâu hề muốn biết bí mật đó. Bạn chỉ muốn bị lừa. Nhưng đến đây, bạn và khán giả chưa thể vỗ tay tán thưởng. Bởi vì làm một cái gì đó biến mất là chưa đủ; nhà ảo thuật cần mang vật đó xuất hiện trở lại. Đó là lý do vì sao mọi trò ảo thuật đều có phần thứ ba, cũng là phần khó nhất, mà chúng tôi gọi là ‘cao trào'”.
Đấy là nội dung lời thoại ngay phần mở đầu và cũng là phần kết thúc của tựa phim điện ảnh đặc sắc nổi tiếng “The Prestige” có tựa tiếng Việt là “Ảo thuật gia đấu trí” vào năm 2006 của đạo diễn tài ba Christopher Nolan, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Christopher Priest. Phim kể về cuộc cạnh tranh và nỗi ám ảnh nghề nghiệp của hai nhà ảo thuật Robert Angier và Alfred Borden, với phong cách kể chuyện theo kiểu đảo lộn trật tự thời gian cùng những nút thắt bất ngờ đầy quen thuộc của Christopher Nolan.
Ba phần “bảo chứng”, “bước ngoặt” và “cao trào” của một trò ảo thuật siêu hạng cũng chính là ba chương hồi của trận chung kết World Cup 2022 giữa Argentina và Pháp.
Bảo chứng
Bảo chứng hay sự đảm bảo, là diễn biến suốt hơn một giờ đồng hồ của trận chung kết, khi Argentina áp đảo hoàn toàn thế trận lẫn số cơ hội dứt điểm, và đương nhiên là cả bàn thắng trước Pháp. Đến hết phút 67, Argentina tạo ra chín pha dứt điểm và ghi hai bàn. Trong khi, “Les Bleus” không có lấy một tình huống dứt điểm nào.
Suốt quãng thời gian ấy, viễn cảnh Argentina rồi sẽ lên ngôi trên đất Qatar trở thành điều hiển nhiên. Dường như tất cả đều không mảy may nghi ngờ. Cả hành trình World Cup 2022 của thầy trò Lionel Scaloni trở thành một bảo chứng; một hành trình vượt khó, không nao núng và trưởng thành qua từng trận đấu.
Sự trưởng thành ấy được thể hiện rõ qua sự linh hoạt về đấu pháp chiến thuật lẫn cách sử dụng con người của HLV trẻ tuổi nhất giải đấu.
Trước Pháp, Scaloni khiến tất cả những nhận định và dự đoán đầu trận đều việt vị. Nhiều người dự báo Angel Di Maria sẽ đá chính và cầu thủ của Juventus sẽ vẫn được bố trí đá cánh phải như từ đầu kỳ World Cup. Xếp Di Maria đá cánh phải cũng sẽ là phương án khoét mạnh vào những hạn chế đã được bộc lộ trong hệ thống phòng ngự ở cánh trái của Pháp, bởi thiên thướng dâng cao tấn công của Theo Hernandez và vai trò gần như được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự của Kylian Mbappe. Nhưng không, Scaloni có suy nghĩ khác. Ông xếp Di Maria đá cánh trái, chơi đúng kèo của một tiền đạo cánh thuận chân trái.
Hệ thống nhập cuộc của Argentina về cơ bản là 4-3-3, nhưng với xu hướng dâng lên và lùi xuống tùy từng giai đoạn có bóng – không bóng của Di Maria, hệ thống ấy có lúc trở thành 4-4-2 khi phòng ngự. Trong khi, Pháp vẫn giữ nguyên cấu trúc 4-2-3-1, mà thường trở thành 3-2-5 khi tổ chức tấn công, với Aurelien Tchouameni là tiền vệ đá thấp nhất, Adrien Rabiot di chuyển trục dọc, Theo Hernandez dâng lên rất cao như một tiền đạo cánh và Mbappe bấy giờ di chuyển tự do từ biên trái vào phía trong, và Antoine Griezmann tiếp tục đóng vai một cầu thủ hybrid (lai) linh hoạt dâng lên và lùi về giữa hai tuyến đầu.