Chiều 8/8, VĐV Nguyễn Thị Hương bước vào vòng loại canoeing 200m thuyền đơn nữ với 5 đối thủ, tính 2 người có thành tích tốt nhất vào thẳng bán kết, 4 người còn lại vào tứ kết phân hạng.
Tay chèo của Việt Nam đạt thành tích 49 giây 74, về đích ở vị trí cuối cùng. Sau đó, Nguyễn Thị Hương tiếp tục tranh tài với 7 VĐV khác để tranh vé vớt, nhưng chỉ xếp hạng 6/8 và bị loại. Đây cũng là VĐV cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam gồm 16 VĐV tranh tài Olympic, khép lại giải đấu trắng huy chương.
Tại Olympic Tokyo cách đây 3 năm, đoàn thể thao Việt Nam có 18 VĐV nhưng cũng không giành được bất kỳ huy chương nào. Ở Paris 2024, trong số những VĐV tranh tài, xạ thủ Trịnh Thu Vinh là người tiến gần huy chương nhất khi xếp hạng 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Những niềm hy vọng còn lại đều không thể cạnh tranh với các đối thủ.
Sau 2 kỳ Olympic liên tiếp, Việt Nam đều không giành được huy chương, gợi ra câu hỏi nhức nhối với những người làm thể thao. Để có thể cải thiện thành tích sau đây 4 năm tại Olympic Los Angeles 2028, thể thao Việt Nam cần nhiều điều phải làm.
Trong khi đó, 3 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã giành HCV Olympic. Carlos Yulo đem về 2 tấm HCV lịch sử cho Philippines ở các nội dung thể dục tự do và nhảy chống của thể dục dụng cụ. Panipak Wongpattanakit của Thái Lan bảo vệ thành công tấm HCV Olympic taekwondo hạng cân 49kg nữ. Mới nhất, Indonesia có HCV đầu tiên Olympic Paris ở môn leo núi tốc độ của VĐV Veddriq Leonardo.
Veddriq Leonardo là người đem về tấm HCV lịch sử cho Indonesia ở môn leo núi tốc độ, môn thể thao lần thứ 2 được đưa vào Olympic. Với thời gian 4 giây 75, VĐV người Indonesia đã vượt qua Wu Peng của Trung Quốc (4 giây 77) trong trận chung kết để giành chiến thắng.
Đây là tấm huy chương thứ 2 của đất nước xứ Vạn đảo tại Paris 2024, sau tấm HCĐ của Gregoria Mariska ở nội dung cầu lông đơn nữ. Tính trong lịch sử các kỳ tham dự Olympic, Indonesia có tấm HCV thứ 9.
Indonesia có HCV đầu tiên Olympic 2024 ở môn leo núi trong nhà
|
Dù là người giành HCV chung cuộc, nhưng Veddriq Leonardo không phải VĐV sở hữu thông số nhanh nhất trong môn thể thao độc lạ và đầy tốc độ này. Sam Watson, VĐV người Mỹ đã lập kỷ lục thế giới với thông số 4 giây 74 trong trận tranh HCĐ. Anh cũng một lần chạm thông số 4 giây 75 cách đây ít ngày, nhưng không lọt vào trận chung kết do tính chất knock-out từng cặp VĐV.
Olympic Paris 2024 mới là lần thứ 2 môn leo núi tốc độ được đưa vào thi đấu. Tại Tokyo cách đây 3 năm, chỉ có 2 nội dung tranh chấp huy chương, so với 4 ở kỳ này, điều đó mở ra cơ hội để các nước đầu tư vào môn thể thao mới lạ. Các VĐV sẽ phải leo lên bức tường có chiều cao 15m một cách nhanh nhất để tranh huy chương.
Với chưa đầy 5 giây thi đấu, đây là một trong những môn thể thao tốn ít thời gian nhất để xếp hạng tại Olympic Paris 2024.