Sự bền bỉ của Guardiola
Được ca ngợi về tài năng, nhưng đức tin và kiên trì sau những thất bại mới là yếu tố giúp HLV Pep Guardiola nâng tầm Man City.
Tháng 10/2012, Guardiola lần đầu gặp Garry Kasparov trong một bữa tối tại New York. Chiến lược gia người Tây Ban Nha khi đó đang dành một năm nghỉ ngơi sau hào quang với hai chức vô địch Champions League ở Barca. Còn Kasparov cũng giải nghệ từ lâu sau khi giữ danh hiệu Vua cờ thời 1985-2000, và vị trí số một thế giới giai đoạn 1984-2006.
Trong cuộc gặp đó, họ không nhắc gì đến cờ vua và bóng đá.
Vài tuần sau, hai người gặp lại. Khi đó, kỳ thủ 22 tuổi Magnus Carlsen vừa giành quyền thách đấu Vua cờ Viswanathan Anand. Carlsen cũng vừa vượt qua Kasparov để thành kỳ thủ có Elo cao nhất thế giới lúc đó. Guardiola hỏi Kasparov: “Liệu ông có thể thắng Carlsen?”. Kasparov đáp: “Tôi có khả năng đánh bại cậu ấy, nhưng trong thực tiễn thì không thể”.
Guardiola cảm thấy câu trả lời này thú vị, mà sau này ông mới hiểu ý của Kasparov. Kỳ thủ khi đó 49 tuổi ám chỉ rằng ông có thể thắng Carlsen một ván đấu, hoặc chỉ là giành ưu thế trong một ván đấu, nhưng không đủ sức thắng một trận dài hơi. Mỗi ván cờ vua có thể kéo dài tới trên năm tiếng, và một trận chung kết cờ vua thế giới có diễn ra gần một tháng. Mấu chốt để trở thành Vua cờ không chỉ có kỹ năng, mà còn cần sự bền bỉ.
Trong 10 năm kể từ khi chia tay Barca, Guardiola không thể đăng quang Champions League thêm lần nữa, dù bảy lần vô địch quốc gia giai đoạn này. Ông từng đưa Man City vào chung kết năm 2021 nhưng lại thất bại trước Chelsea. Nhưng Guardiola không từ bỏ, tiếp tục duy trì thế độc tôn của Man City ở Anh cho đến khi gặt hái thành quả với chức vô địch Champions League 2023. Đó là thành quả của sự bền bỉ.
Kasparov còn từng tạo ra ảnh hưởng lên Guardiola qua sách “How life imitates chess” (Cuộc sống bắt chước cờ vua ra sao). Theo cựu trung vệ Vincent Kompany, cách dụng binh của Guardiola có nhiều điểm giống cờ vua. “Tôi đã làm việc và học hỏi với nhiều HLV tài năng, nhưng không ai dạy tôi những điều như Guardiola”, Kompany nói. “Ông ấy dạy chúng tôi về chiến lược, và cầu thủ nào lĩnh hội được bài học này sẽ suy nghĩ theo hướng hoàn toàn khác”.
Kompany vừa giúp Burnley đứng đầu hạng nhất Anh mùa 2022-2023, đưa đội bóng lên Ngoại hạng Anh. Ông cho biết từng học được những điều quý giá từ Guardiola như khoảng trống, cách hành động và phản ứng sau một tình huống nhất định. Điều này cũng được Kasparov đúc kết trong cuốn sách trên. “Ngay sau thất bại đậm đến đâu, chúng tôi cũng phải phân tích trận đấu và tìm ra những điểm làm chưa tốt”, Kompany nói. “Chúng tôi sẽ làm lại từ những điểm đó, để sửa sai và tiến bộ”.
Guardiola đã giành 14 danh hiệu cùng Man City chỉ sau bảy năm. Trung bình mỗi mùa giải, ông lại đem về cho đội hai chức vô địch. Ông còn là HLV duy nhất lịch sử hai lần đoạt cú ăn ba châu Âu, và đoạt cú ăn ba nội địa ở Anh năm 2019. Guardiola đam mê công việc đến nỗi các trợ lý của ông nghĩ ra một “quy luật 32 phút”, tức là Guardiola chẳng bao giờ trải qua quá 32 phút mà không bị phân tâm bởi bóng đá.
Guardiola truyền cảm hứng cho nhiều cầu thủ, chứ không chỉ Kompany. Sau khi đoạt cú ăn ba, Jack Grealish nói rằng anh biết ơn HLV người Tây Ban Nha. “Dù mùa trước tôi chơi tệ hại, nhưng ông vẫn tin tưởng tôi”, tiền vệ người Anh cho biết.
Trước Grealish, Guardiola cũng kiên nhẫn với một thương vụ bom tấn người Anh khác là Raheem Sterling. Ông hướng dẫn Sterling đến từng chi tiết, chẳng hạn như tư thế, hướng nhìn và bước chân lúc nhận bóng. Guardiola cũng muốn học trò xâm nhập vào cấm địa dồn dập, và nổi giận mỗi khi cầu thủ này quên lời dặn. Ông thậm chí từng thay anh ra sân ngay sau một pha bỏ lỡ vì chậm nhịp. “Nói cho cậu biết, tôi thay cậu ra chỉ vì lý do đó”, ông nói.
Cách huấn luyện của Guardiola tạo ra ảnh hưởng lên cầu thủ. Sterling thường bị coi là cầu thủ vô duyên với những bàn thắng, nhưng có giai đoạn anh ghi xấp xỉ 20 bàn mỗi mùa ở Ngoại hạng Anh thời 2017-2020. Trước đó ở Liverpool, không mùa giải nào anh ghi đến 10 bàn.
Nhiều cầu thủ cũng được hưởng lợi khi chơi dưới trướng Guardiola, chẳng hạn Oleksandr Zinchenko từng là tiền vệ tấn công nhưng được chuyển sang vai trò hậu vệ trái, nay thành trụ cột ở Arsenal. Joao Cancelo là hậu vệ nhưng có mùa giải chơi như một tiền vệ trung tâm để tận dụng khả năng chuyền bóng. Mùa này Guardiola cũng cải thiện nhiều cầu thủ, đáng kể là trung vệ John Stones được đôn lên chơi như tiền vệ con thoi.
Với phong cách huấn luyện tới từng chi tiết, Guardiola được coi như HLV có ảnh hưởng bậc nhất mọi thời. HLV huyền thoại Bob Paisley từng để cầu thủ Liverpool tự tìm ra những cách giải quyết vấn đề, Alex Ferguson nổi tiếng ở khả năng quản lý đội bóng, Carlo Ancelotti duy trì sự hài hòa và đoàn kết trong đội bóng, còn Zinedine Zidane nổi bật ở khả năng truyền cảm hứng và động lực cho cầu thủ. Còn Guardiola tạo ra một hệ tư tưởng chiến lược và được nhiều HLV học theo.
Thành công của Tây Ban Nha với hai danh hiệu World Cup và Euro liên tiếp thời 2010 và 2012 có dấu ấn đậm nét từ Guardiola. Đức vô địch World Cup 2014 với bộ khung của Bayern Munich dưới trướng Guardiola khi đó. “Không có nghi ngờ gì khi Guardiola là HLV giàu ảnh hưởng nhất bóng đá thế giới 50 năm qua”, cựu giám đốc kỹ thuật Bayern Michael Reschke nói. “Kể từ khi bắt đầu làm việc ở Barca, các đội bóng của Guardiola luôn ở trong top đáng xem nhất thế giới”.
Sự bền bỉ của Guardiola còn tới từ triết lý bóng đá kiểm soát và tấn công, những điều ông đã đọc được trong cuốn sách của Kasparov. “Khi bạn khởi xướng đợt tấn công, thay vì phải phản ứng lại đối thủ, bạn sẽ kiểm soát được trận đấu”, Guardiola nói. “Bóng đá cũng có tính chu kỳ. Mỗi khi có bóng, bạn phải kiểm soát trận đấu rồi tìm cách giành lợi thế”.
Man City lúc này đã kiểm soát bóng đá châu Âu, nhưng từ mùa sau, họ sẽ làm lại từ đầu và bắt đầu chu kỳ thống trị mới. Guardiola vẫn sẽ ở đó, và vẫn sẽ bền bỉ, ít nhất cho đến khi hết hợp đồng.