Trong bài tự sự trên The Player’s Tribune, tiền vệ phóng ngự của Newcastle Bruno Guimaraes kể về hành trình theo đuổi giấc mơ bóng đá để giải thích việc chọn số áo 39.
Tôi biết nhiều người nghĩ rằng số áo tôi mặc khá kỳ quặc với một cầu thủ. Nhưng với tôi, 39 là con số đặc biệt. Không, nó còn hơn thế: đó là một con số ma thuật, là con số mang mọi thứ tới cho tôi. Nó đưa tôi tới Newcastle, cho tôi cơm ăn áo mặc và tiền mua vé xe buýt để theo đuổi giấc mơ.
39 là số hiệu chiếc taxi của ba tôi ở Rio de Janeiro.
Cuộc đời tôi, ban đầu, rất đơn giản. Tôi chào đời như mọi đứa trẻ Brazil khác. Từ lúc lên năm tuổi, tôi đã yêu bóng đá. Tụi nhỏ như tôi chơi bóng suốt ngày trên đường phố, với khung thành được xếp bằng những đôi dép. Có khi chúng tôi còn lấy đá hoặc hoa quả rơi trên phố làm gôn, mà cái gì chẳng được cơ chứ. Giải thưởng cũng không quan trọng, dù là lon Coca hay chai Tubaina, chúng tôi chỉ đá vì muốn thắng mà thôi.
Tôi lớn lên ở Vila Isabel, một khu dân cư bị phủ bóng bởi sân vận động huyền thoại Maracana. Nơi này từng cho phép trẻ em dưới 12 tuổi được vào sân miễn phí, vậy nên tụi tôi thường tập trung thành nhóm 20 đứa vào xem đá bóng. Xem Flamengo, Fluminense, Botafogo, Vasco… hay đội nào cũng được, bởi chỉ cần được ở sân bóng đã là một phép màu. Các cầu thủ như những vị Thánh trong mắt chúng tôi, kể cả thủ môn dự bị.
Tôi nhớ có lần đội futsal của tôi tới Sao Januario chơi bóng và cả đội Vasco đều đang tập ở đó. Tôi như phát cuồng, nhưng thời đó, tôi đâu có điện thoại, mà thật ra, đến một mẩu giấy cũng không. Nên tôi chạy ra quầy bánh xin một mẩu khăn ăn và nài nỉ các cầu thủ Vasco: “Vì Chúa, các anh hãy cho em xin chữ ký đi. Em không quan tâm kể cả anh có là nhân viên phục vụ đội!!! Làm ơn ký cho em đi mà!”.
Giờ nhìn lại thật buồn cười, nhưng khi đó tôi hoàn toàn nghiêm túc. Tờ giấy ăn bẩn ấy trở thành một kỷ vật thiêng liêng, và đến ngày nay mẹ tôi vẫn giữ kỹ ở nhà. Với tôi, giấc mơ là được trở thành một vị Thánh như những cầu thủ ấy. Nhưng điều buồn cười là ban đầu, mẹ tôi không ưa bóng đá. Ba tôi đam mê bóng đá, nhưng khi ông bảo tôi thử chơi futsal, mẹ gắt ầm lên: “Không! Thằng bé sẽ trở thành VĐV bơi lội! Nhà có một người mê bóng đá như ông là quá đủ rồi, hai người thì tôi chết mất!”. Và mẹ đã cố thử cho tôi học bơi trong nửa năm, tới một ngày khi tôi trở về nhà mếu máo: “Mẹ ơi, môn bơi này chẳng phù hợp với con đâu. Con xin lỗi nhưng con cần được chơi bóng!”.
Thần tượng của tôi là Ronaldinho, và tôi ban đầu chơi ở vị trí tiền vệ cánh. Khi ấy tôi mỏng cơm lắm, và cứ mỗi khi chơi bóng cả ngày thứ Bảy, tôi luôn năn nỉ mẹ cho tôi mua bánh hamburger ở quầy và chỉ nhận được cái lắc đầu. Mãi về sau tôi mới biết, nhà mình đã nợ tiền quầy thực phẩm nhiều rồi và chỉ trả được vào cuối tháng.
Rất nhiều ngày tôi chỉ uống nước và ăn bánh kẹp cho đỡ đói. Mẹ tôi làm việc trong xưởng sửa xe, còn ba tôi lái taxi. Ở Brazil, nhất là Rio, đây là một cuộc sống khó khăn bởi bạn phải làm việc suốt ngày đêm. Nhưng chiếc taxi màu vàng ấy đã giữ giấc mơ của tôi tồn tại. Gần như thời gian duy nhất tôi được gặp ba là thứ Bảy, khi ông tới xem tôi chơi bóng. Áp lực lắm đấy, vì ba là thần tượng của tôi mà. Tôi không muốn làm ba thất vọng, nhưng ông thật sự khắt khe với tôi. Có lúc ba còn tuyên bố: “Ba chán nhìn thấy con thất bại lắm rồi. Ba sẽ cho con ăn thêm một cái hamburger hôm nay, với điều kiện con phải thắng”.
Tôi không hay nghe giới cầu thủ nói về điều này, nhưng khi tôi mới chơi bóng, tôi cứ nghĩ mình chơi dở tệ. Tôi thường dậy trước đêm diễn ra trận đấu với cảm giác nôn nao và bắt đầu nôn oẹ. Những cơn đau đầu, cơn sốt ập tới và tôi chẳng thể ngủ lại. Mỗi khi ra sân, thay vì chơi bóng tự do, tôi chỉ sợ mắc lỗi. Mỗi khi trận đấu diễn ra, tim tôi đập nhanh hơn hẳn. Đó là một bức tường tâm lý.
Thế rồi khi 11 tuổi, tôi chơi một trận đấu mà không nghĩ có ai đang xem. Đương nhiên là tôi toả sáng như một vị thần, vì làm gì có sức ép? Tôi không nhận ra rằng HLV Mario Jorge đang quan sát từ xa cùng các đàn anh. Sau trận đấu, ông tìm tới tôi và hỏi: “Bruno à, thầy muốn hỏi con điều này. Vì sao con không bao giờ chơi được thế này trong các trận đấu thật?”.
Tôi trả lời: “Con cũng không biết nữa thầy ạ. Con cảm thấy không thoải mái, khó giải thích lắm”.
Thầy động viên tôi: “Nghe này, hãy kệ mọi thứ đi. Cứ chơi bóng cho vui, và xem điều gì sẽ xảy ra”.
Sau trận đấu ấy, tôi trao đổi với ba và nói thật suy nghĩ bản thân. Tôi bày tỏ mong muốn ông ngưng đặt sức ép lên tôi mỗi lần ra sân, bởi nó làm tôi căng thẳng vô cùng. Khi người hùng của bạn thúc đẩy bạn, đôi khi mọi thứ quá ngột ngạt. Ơn Chúa, vì ba đã lắng nghe và kể từ ngày đó, mọi thứ thay đổi.
Mỗi khi ra sân, tôi luôn tự nhủ: “Nào, bóng đá thôi mà. Cứ đá như ngày mày còn là thằng nhóc chơi ngoài đường ấy”. Sau hôm ấy, tôi phá vỡ được bức tường tâm lý và phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, hành trình của tôi không phải một câu chuyện của một siêu sao. Khi 12 tuổi, tôi tập thử ở Botafogo và Fluminense, nhưng không được nhận. Tôi trải qua khoảng ba, bốn buổi tập ở Botafogo trước khi nhận được cái lắc đầu. Ở Fluminense, tôi trải qua một năm liền đi xe buýt hai tiếng sau giờ học tới sân tập, rồi cũng bị từ chối.