Morocco tạo kỳ tích tại

Các cầu thủ Morocco ăn mừng chiến thắng cùng huấn luyện viên trưởng Walid Regragui sau khi đánh bại Canada với tỷ số 2-1 và giành vé vào vòng 16 đội tại World Cup ngày 1/12.

Hành trình vào bán kết của đội tuyển Morocco tại World Cup 2022 một phần nhờ chiến lược chiêu mộ tài năng từ kiều dân mà nước này áp dụng.

Sự xuất hiện của các cầu thủ hải ngoại không còn là hiện tượng lạ trong nhiều đội tuyển quốc gia trên thế giới. Hơn 130 cầu thủ tham gia World Cup năm nay chọn đá cho đội tuyển của quốc gia vốn không phải nơi họ sinh ra, theo diện nhập tịch hoặc mang quốc tịch kép.

Trong số đó, Morocco là đội có số tuyển thủ sinh ra ở nước ngoài cao nhất giải, với 14/26 thành viên đăng ký thi đấu không sinh ra ở nước này. Lựa chọn đó được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Morocco tạo nên kỳ tích chưa từng có với một đội bóng châu Phi ở World Cup 2022.

Sau chiến thắng 1-0 của Morocco trước đội tuyển Bồ Đào Nha ngày 10/12, châu Phi lẫn nhóm các nước Arab đã lần đầu tiên có đại diện tiến đến trận bán kết trong một vòng chung kết World Cup. Người ghi bàn ấn định chiến thắng là Youssef En-Nesyri, tiền đạo sinh trưởng và được trui rèn ở Morocco, nhưng hầu hết ngôi sao tỏa sáng tại sân vận động Al Thumama đêm đó lại chào đời nơi “đất khách”.

Các cầu thủ Morocco ăn mừng chiến thắng cùng huấn luyện viên trưởng Walid Regragui sau khi đánh bại Canada với tỷ số 2-1 và giành vé vào vòng 16 đội tại World Cup ngày 1/12. Ảnh: AFP.

Các cầu thủ Morocco ăn mừng chiến thắng cùng huấn luyện viên trưởng Walid Regragui sau khi đánh bại Canada với tỷ số 2-1 và giành vé vào vòng 16 đội tại World Cup ngày 1/12. Ảnh: AFP.

Đứng trong khung gỗ của Morocco là Younes Bounou, thủ thành sinh tại Canada. Sofyan Amrabat, tiền vệ sinh tại Hà Lan, trấn giữ tuyến giữa của đội bóng mang biệt danh “Sư tử Atlas”, còn tỏa sáng ở hai biên là Achraf Hakimi từ Tây Ban Nha, Sofiane Boufal từ Pháp và hai ngôi sao từng nói không với tuyển Hà Lan: Noussair Mazraoui cùng Hakim Ziyech.

Khi dự World Cup 1998 tại Pháp, Morocco lần đầu tiên đưa hai cầu thủ kiều dân vào danh sách thi đấu. Kể từ đó, chính phủ Morocco đã kiên trì xây dựng một chiến lược bài bản để thu hút nhân tài từ hải ngoại quay về phụng sự nền bóng đá nước nhà.

Morocco có dân số hơn 37 triệu người, nhưng có tới hơn 5 triệu kiều dân sống ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, trong đó hơn 1,1 triệu người ở Pháp. Các câu lạc bộ bóng đá châu Âu là nơi phát hiện và trui rèn nhiều tài năng bóng đá trẻ gốc Morocco.

Bài toán mà chính phủ Morocco và Liên đoàn Bóng đá Hoàng gia (FMRF) cần giải quyết là phát hiện những tài năng đó đủ sớm và tiếp cận, thuyết phục họ chọn màu áo quê nhà, thay vì đá cho các đội tuyển châu Âu.

Chính sách này nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của Vua Mohammed VI, giúp FMRF tiến hành những cải cách với các khoản đầu tư lớn. Không chỉ cho ra mắt trung tâm bóng đá quốc gia chuẩn “5 sao” vào năm 2009, nơi đào tạo những tuyển thủ như Nayef Aguerd và Youssef En-Nesryi, cơ quan này còn xây dựng mạng lưới tuyển trạch viên khắp châu Âu để tìm kiếm tài năng trẻ trong cộng đồng kiều dân.

Trọng tâm tìm kiếm tài năng của FMRF là Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha, vốn đều là những nước có nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới, đồng thời tập trung đông đảo cộng đồng kiều dân Morocco.

Chiến lược hút tài năng về đội tuyển đã được quốc gia Bắc Phi duy trì qua nhiều giải đấu quốc tế. World Cup 2022 không phải lần đầu tiên họ mang theo đội hình với số lượng lớn cầu thủ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Ở kỳ World Cup 2018 tại Nga, danh sách đăng ký thi đấu của Morocco có đến 17 cầu thủ kiều dân, trong đó 5 người sinh ra tại Hà Lan.

Quan chức Morocco cũng sẵn sàng lao vào cạnh tranh với các nước lớn tại châu Âu để thuyết phục tài năng trẻ ở nước ngoài trở về đầu quân cho đội tuyển. Thế mạnh của họ trong các cuộc đàm phán là khả năng cầu thủ được bước ra sân chơi cấp độ châu lục và thế giới, viễn cảnh tươi sáng hơn so với đầu quân cho các đội tuyển châu Âu, nơi mức cạnh tranh khốc liệt hơn và khác biệt văn hóa vẫn là rào cản khó vượt qua, theo Morocco World News.

“Chúng tôi tiếp cận các cầu thủ từ giai đoạn rất sớm trong sự nghiệp của họ, gia tăng cơ hội thu hút họ về khoác áo Morocco. Chúng tôi không bao giờ áp đặt mà chủ trương thảo luận chân thành với cầu thủ và gia đình họ”, Nourreddine Moukrim, một huấn luyện viên ở Bỉ chuyên về bóng đá trẻ và hỗ trợ tuyển trạch cho Morocco 9 năm qua, chia sẻ.

Munir El-Haddadi, cầu thủ Tây Ban Nha gốc Morocco, được xem là trường hợp điển hình cho chiến lược này. Sau nhiều lần góp mặt tại các lứa trẻ cấp độ quốc gia, cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo La Masia của Barcelona năm 2014 được triệu tập lên đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha tham gia vòng loại Euro 2016.

Tuy nhiên, anh chỉ được đá vài chục phút trong trận gặp Macedonia và kể từ đó không được triệu tập thêm lần nào lên tuyển. Munir đến năm 2018 xin được FIFA “phá lệ”, mở đường chuyển sang thi đấu cho đội tuyển quốc gia Morocco.

FMRM đã kiến nghị FIFA thay đổi điều lệ, cho phép mọi cầu thủ chưa góp mặt quá ba trận cho đội tuyển một quốc gia vào thời điểm cầu thủ đó chưa 21 tuổi được quyền chuyển sang thi đấu cho một nước khác nếu họ có hai quốc tịch.

Sau nhiều lần Morocco vận động lẫn khiếu nại lên các cấp tòa trọng tài, FIFA năm 2020 đồng ý thay đổi quy định và một năm sau đó cho phép Munir được chuyển sang thi đấu cho đội tuyển quốc gia Morocco.

Nỗ lực vận động FIFA thay đổi chính sách phần nào cho thấy Morocco đặc biệt xem trọng cầu thủ kiều dân đang sống ở nước ngoài. Họ tin tưởng rằng các cầu thủ dù sinh ra và lớn lên ở nước khác vẫn có tình cảm sâu đậm với quê hương và sẵn sàng cống hiến cho đội tuyển.

Đội tuyển Morocco ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Bồ Đào Nha để giành vé vào bán kết World Cup bằng thắng lợi 1-0 ở sân vận động Al Thumama tại Doha, Qatar ngày 10/12. Ảnh: AFP.

Đội tuyển Morocco ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Bồ Đào Nha để giành vé vào bán kết World Cup bằng thắng lợi 1-0 ở sân vận động Al Thumama tại Doha, Qatar ngày 10/12. Ảnh: AFP.

Kiều dân Morocco là một trong những cộng đồng nhập cư lớn nhất tại châu Âu, trong đó phần lớn duy trì mối liên hệ khăng khít với nguồn cội. Theo ước tính của Hội đồng Cộng đồng Morocco ở nước ngoài, khoảng 61% nhóm kiều dân tại châu Âu trong độ tuổi 18-35 đều về thăm quê mỗi năm.

Những trường hợp của Hakim Ziyech, Noussair Mazraoui hay Sofyan Amrabat đều thu hút sự chú ý của truyền thông khi nói không với đội tuyển Hà Lan và chọn khoác áo “Sư tử Atlas”. Dù họ trải qua hệ thống đào tạo của các câu lạc bộ nổi tiếng Hà Lan và có cơ hội được gọi lên tuyển, những ngôi sao này hầu hết đều thừa nhận gia đình họ luôn giữ vị trí đặc biệt trong trái tim dành cho quê hương tại Bắc Phi.

“Bố mẹ và ông bà tôi đều là người Morocco. Mỗi lần trở về, tôi luôn có những cảm xúc khó tả. Đó là nhà. Hà Lan cũng là nhà, nhưng Morocco là điều còn đặc biệt hơn”, Amrabat từng chia sẻ về quyết định từ chối thi đấu cho Hà Lan.

Những cầu thủ hải ngoại gốc Morocco đang tỏa sáng ở World Cup năm nay đều thuộc thế hệ thứ hai của các gia đình di cư từ quốc gia Bắc Phi sang châu Âu. Theo Said Saddiki, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Sidi Mohamed Ben Abdellah ở Morocco, sợi dây liên kết về tinh thần với quê cha đất tổ là một đặc điểm nổi bật trong cộng đồng người gốc Morocco ở nước ngoài.

“Mối liên kết này thể hiện đặc biệt rõ nét trong những sự kiện công chúng với quy mô lớn, điển hình là các trận bóng. Dù đội tuyển thắng hay thua trong một trận đấu lớn, người Morocco vẫn đổ xuống đường phố ở Paris hoặc Brussels, thậm chí một số vụ bạo loạn đã bùng phát từ những sự kiện như vậy”, ông nói.

Mohamed Ben Moussa, phó giáo sư ngành truyền thông thuộc Đại học Sharrjah ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhận định mối liên hệ giữa cộng đồng hải ngoại Morocco và quê hương được duy trì liên tục nhờ vào truyền thống trở về thăm quê hương thường xuyên và các phong tục cưới hỏi.

“Hiếm có gia đình nào ở Morocco không có người thân hoặc bạn bè đang sống ở nước ngoài. Đội tuyển quốc gia đang trở thành gương mặt đại diện cho phương diện này của xã hội Morocco hiện đại. Trên thực tế, xã hội Morocco đang dần coi những kiều dân sống và thành công ở nước ngoài là điều đáng tự hào”, ông phân tích.

Tuy nhiên, chiến lược chiêu mộ cầu thủ kiều dân của Morocco không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Một số ngôi sao lớn lên ở nước ngoài, nổi bật là Hakim Ziyech, từng chịu búa rìu dư luận vì thái đội được cho là thiếu hợp tác với huấn luyện viên, khi thi đấu chói sáng ở cấp câu lạc bộ nhưng phong độ lại trồi sụt lúc trở về khoác áo đội tuyển Morocco. Truyền thông các nước châu Âu từng chế nhạo đội tuyển Bắc Phi mang đội hình “lính đánh thuê” hay “đội bóng Liên Hợp Quốc” đến giải đấu danh giá nhất thế giới.

Walid Regragui, người được giao trọng trách cầm quân chỉ ba tháng trước thềm World Cup tại Qatar, đã đứng ra thuyết phục Ziyech ở lại đội tuyển và “bảo chứng” cho nguyện vọng cống hiến của cầu thủ xuất thân kiều dân này. Bản thân ông Regragui cũng là cựu cầu thủ gốc Morocco nhưng sinh ra tại Pháp. Đến hôm nay, niềm tin của ông đã được đền đáp ngoài mong đợi.

“Trước World Cup, chúng tôi đã gặp nhiều lùm xùm về cầu thủ sinh ra ở Morocco và cầu thủ lớn lên ở châu Âu. Một vài người đặt vấn đề cầu thủ không yêu Morocco và vì sao tôi không dùng cầu thủ sinh ra tại quê hương”, HLV Regragui trả lời trong buổi họp báo sau chiến thắng trước Tây Ban Nha ở vòng loại trực tiếp 16 đội.

“Hôm nay chúng tôi đã chứng minh cho thế giới thấy, người Morocco dù đi đâu cũng luôn là người Morocco. Khi bước chân lên tuyển, họ sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, ông khẳng định.

發佈留言

發佈留言必須填寫的電子郵件地址不會公開。 必填欄位標示為 *