5 yếu tố giúp TL thắng dễ VN
Theo tờ Siam Sport, mặt sân Thammasat chất lượng, phong độ của Theerathon Bunmathan hay sự sa sút của Nguyễn Quang Hải… là những lý do giúp Thái Lan hạ Việt Nam ở chung kết AFF Cup 2022.
Đầu tiên, nền tảng từ giải vô địch quốc gia Thai League chất lượng đã đem đến khác biệt. Giải đấu quy tụ những HLV và cầu thủ nước ngoài tốt nhất của khu vực Đông Nam Á, giàu tính cạnh tranh và chất lượng về nhiều mặt. Từ đó, cầu thủ Thái Lan sẽ tiến bộ hơn khi được thi đấu cọ xát với những cầu thủ giỏi, học được những triết lý và chiến thuật đa dạng từ các HLV. Và đội tuyển quốc gia Thái Lan được hưởng thành quả.
So sánh với bóng đá Việt Nam, Siam Sport đánh giá thành công giai đoạn vừa qua dựa vào lối chơi mang phong cách cổ điển mà HLV Park Hang-seo áp dụng, đó là tính đồng đội, sức mạnh và kỷ luật. Nhược điểm của việc này là tập trung vào kết quả, thay vì hướng tới bóng đá tấn công và sáng tạo. Hệ quả, đội bóng dần trở nên nhàm chán và bị bắt bài.
“Ở cả hai trận chung kết, HLV Mano Polking đã khuất phục ông Park bằng chiến thuật hiện đại”, tờ báo nhận xét. “Chiến thuật của HLV Park Hang-seo đã bị đọc vị, đó là lý do ông ấy không tiếp tục gắn bó với Việt Nam”.
Yếu tố thứ hai làm nên chiến thắng của Thái Lan là mặt sân chất lượng. Rajamangala là thánh địa của đội tuyển Thái Lan, nhưng ít nhất sân Thammasat vẫn giữ được điều quan trọng nhất là mặt sân đẹp, để cầu thủ thể hiện lối chơi tốt nhất. Trong khi đó, mặt sân Mỹ Đình ở chung kết lượt đi bị nhận xét là gồ ghề, cỏ héo làm ảnh hưởng tới lối chơi của Thái Lan.
“Thái Lan quen sân hơn nhưng phải thừa nhận chơi bóng trên mặt cỏ xanh tốt khiến bóng đá mới thật sự là bóng đá”, Siam Sport đánh giá. “90 phút tại Thammasat cho thấy khả năng liên kết tốt của Thái Lan, đủ để đội kiểm soát thế trận theo ý muốn”.
Sự xuất sắc của Theerathon Bunmathan là điều thứ ba khuất phục Việt Nam. Từ một cầu thủ nóng tính, hậu vệ sinh năm 1990 đã chơi điềm tĩnh hơn và tiến tới ngôi đền vĩ đại của bóng đá Đông Nam Á. Siam Sport kể lại chuyện Theerathon từng nhận hai thẻ đỏ trong hai trận liên tiếp khi chơi cho ĐTQG và U23 Thái Lan, nhưng giờ anh là đội trưởng đưa đội đến chức vô địch AFF Cup 2022.
Danh hiệu cầu thủ hay nhất giải cho Theerathon là xứng đáng, khi anh có sáu kiến tạo – nhiều nhất giải và một bàn thắng đẳng cấp mang tính quyết định trong trận chung kết lượt về. “Từ một hậu vệ trái, Theerathon vẫn cho thấy sự xuất sắc khi chơi tiền vệ trung tâm để trở thành nhạc trưởng của đội”, Siam Sport viết.
Trái ngược với Theerathon, ngôi sao lớn nhất của Việt Nam Nguyễn Quang Hải đã không còn là chính mình. Việc sang Pháp chơi tại Ligue 2 cho Pau FC từng được kỳ vọng sẽ giúp Quang Hải phát triển hơn, nhưng màn trình diễn tại AFF Cup 2022 của anh bị đánh giá dưới mức trung bình. Hình ảnh của Hải trái ngược với khi anh là cầu thủ hay nhất AFF Cup 2018 và là mối đe doạ lớn nhất của Thái Lan tại bán kết AFF Cup 2020.
“Hải gần như biến mất ở hai lượt trận chung kết vừa qua”, Siam Sport bình luận. “Hải sa sút ảnh hưởng lớn đến sự sáng tạo trong tấn công của Việt Nam, giúp Thái Lan không cần bận tâm quá nhiều trước khi vô địch”.
Cuối cùng, Việt Nam thua người Thái vì đã không đạt điểm rơi phong độ ở AFF Cup 2022. Kể từ khi HLV Park tới, Việt Nam trở thành một tập thể chơi kỷ luật, xông xáo và khó bị đánh bại, kể cả đó là Nhật Bản hay Saudi Arabia. Trong khi đó, cuộc chiến giữa Việt Nam và Thái Lan được xem như “siêu kinh điển” vì danh dự và xem ai là số một ở bóng đá Đông Nam Á.
Siam Sport đánh giá trận chung kết lượt đi còn cho thấy sự nóng bỏng, nhưng ở lượt về Việt Nam trở nên “lành tính lạ thường”. “Ngay cả Quế Ngọc Hải, cầu thủ được người hâm mộ Thái Lan chú ý nhất cũng im ắng lạ thường, chỉ có một màn đối đầu nhẹ với Adisak Kraisorn”, tờ báo Thái Lan viết. “Có lẽ, điều này đã giúp Thái Lan có một chiến thắng dễ dàng ở lượt về”.